Niềng răng là gì? Niềng răng có lợi ích gì? Niềng răng bao lâu thì xong? Niềng răng có làm răng yếu đi không?…Nếu bạn đang có những thắc mắc liên quan đến phương pháp niềng răng chỉnh nha, hãy dành ra 2 phút để tham khảo bài viết dưới đây. Nhật ký niềng răng sẽ giúp bạn hiểu tường tận về giải pháp chỉnh nha này.
Niềng răng là gì?
Niềng răng/ Chỉnh nha là một thuật ngữ được sử dụng trong nha khoa, miêu tả phương pháp sử dụng khí cụ để sắp xếp, dịch chuyển răng về vị trí thích hợp trên cung hàm.
Niềng răng được xếp vào loại hình thẩm mỹ nha khoa đặc biệt, chuyên dùng để điều chỉnh các sai lệch trên răng như:
- Răng thưa
- Răng khấp khểnh
- Răng mọc lộn xộn
- Răng hô, móm
- Răng chen chúc
- Các bệnh lý về khớp cắn…
Với bộ khí cụ đặc biệt, niềng răng giúp tái tập lại chức năng nhai một cách hoàn hảo, đem lại sự cân đối, hài hòa cho gương mặt, đồng thời ngăn ngừa các bệnh lý răng miệng rất hiệu quả.
Niềng răng được xếp vào kỹ thuật chỉnh nha chuyên sâu, do đó cần được thực hiện tại các cơ sở, nha khoa uy tín, kết hợp với tay nghề của bác sĩ đã có kinh nghiệm trong chỉnh nha.
5 Lợi ích khi niềng răng là gì?
Niềng răng là giải pháp thẩm mỹ nha khoa, đem lại những lợi ích thiết thực như sau:
1. Cải thiện thẩm mỹ
Với khả năng dịch chuyển và điều chỉnh các sai lệch trên khớp cắn, niềng răng giúp chúng ta sở hữu một hàm răng đều, đẹp, thẳng tắp. Sau khi niềng răng, bạn sẽ sở hữu một nụ cười hoàn mỹ, thu hút mọi ánh nhìn.
2. Cải thiện chức năng nhai
Răng mọc lệch hoặc mọc không đúng vị trí trên cung hàm không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc nhai, nuốt thức ăn.
Tình trạng sai lệch trên răng nếu không được điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến các tổn thương về khớp cắn, khiến chúng ta mắc phải nhiều bệnh lý răng miệng nguy hiểm.
Niềng răng là giải pháp phù hợp để đưa răng về đúng vị trí, từ đó cải thiện chức năng nhai, chấm dứt các phiền toái cho răng mọc lệch gây ra.
3. Không cần trồng răng giả
Bên cạnh khả năng cải thiện các sai lệch trên răng, niềng răng còn là cách thức đơn giản để phục hồi những chiếc răng bị mất, với nguyên lý đóng lại khoảng trống bị mất răng mà không cần trồng răng giả (Phương pháp này chỉ áp dụng cho người bị mất một hoặc vài chiếc răng).
4. Phòng ngừa sớm các vấn đề răng miệng
Niềng răng còn có tác dụng phát hiện các sai lệch trên răng ở trẻ em, từ đó điều chỉnh để xương hàm phát triển thuận lợi, điều này còn giúp cho quy trình niềng răng khi trưởng thành trở nên nhẹ nhàng, hạn chế tối đa các kỹ thuật chỉnh nha sau này.
5. Khắc phục nhược điểm về phát âm
Giọng nói của chúng ta bị chi phối bởi nhiều bộ phận, trong đó có răng. Do đó, có nhiều trường hợp bị ảnh hưởng về giọng nói khi răng mọc không đều, dù luyện tập phát âm nhiều cũng khó để chỉnh sửa.
Đối với những trường hợp này, niềng răng được coi là giải pháp hàng đầu để bạn cải thiện phát âm. Sau khi niềng răng, bạn không chỉ sở hữu hàm răng đều đẹp, thẳng hàng, mà khả năng phát âm cũng chuẩn xác hơn, giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp hiệu quả.
Những phương pháp niềng răng thông dụng nhất hiện nay
Với sự phát triển của công nghệ thẩm mỹ nha khoa, ngày càng có nhiều phương pháp chỉnh nha ra đời. Ngay trong nội dung dưới đây, Nhật ký niềng răng sẽ giới thiệu đến bạn về 3 phương pháp niềng răng thông dụng nhất với ưu, nhược điểm cụ thể của từng phương pháp.
1. Niềng răng mắc cài kim loại
Khi nhắc đến các phương pháp niềng răng thông dụng, chúng ta không thể bỏ qua kỹ thuật niềng răng mắc cài kim loại vì đây là phương pháp chỉnh nha có mặt từ lâu đời, được đánh giá cao về mức độ hiệu quả.
Trong phương pháp này, toàn bộ mắc cài (Làm từ hợp kim Niken không gỉ hoặc hợp kim Titan cứng chắc, có độ bền cao) kết hợp với dây cung giúp tạo ra lực kéo, chỉnh để di chuyển răng về đúng vị trí trên cung hàm.
Với phương pháp niềng răng truyền thống, dây cung sẽ được cố định với mắc cài nhờ các dây thun có độ đàn hồi tốt.
Còn với phương pháp niềng răng mắc cài tự động hiện nay, phần mắc cài được thiết kế thêm nắp trượt tự động, giúp cố định dây cung một cách linh hoạt, với phương pháp này, dây cung có thể trượt trong rãnh mắc cadi, từ đó giảm lực ma sát với răng.
Ưu điểm
- Chi phí điều trị rẻ nhất trong các phương pháp niềng răng.
- Điều trị được hầu hết các sai lệch trên răng.
- Rút ngắn thời gian chỉnh nha.
Nhược điểm
- Mắc cài lộ rõ, không đảm bảo thẩm mỹ trong quá trình mang niềng răng.
- Mắc cài kim loại dễ làm tổn thương các mô mềm trong khoang miệng.
2. Niềng răng mắc cài sứ
Niềng răng mắc cài sứ gần giống với phương pháp niềng răng mắc cài kim loại, chỉ thay phần mắc cài kim loại bằng mắc cài sứ cao cấp.
Với phần mắc cài sứ được thiết kế bo góc, bề mặt trơn láng, phương pháp này không chỉ hạn chế các tổn thương trong khoang miệng mà còn đảm bảo tính thẩm mỹ cao.
Ưu điểm
- Mắc cài sứ có màu sắc tương đồng với răng thật, đảm bảo thẩm mỹ.
- Mắc cài sứ an toàn với cơ thể, hạn chế kích ứng.
Nhược điểm
- Chi phí và thời gian điều trị cao hơn niềng răng mắc cài kim loại.
- Mắc cài sứ dễ bị vỡ nếu vận động mạnh thường xuyên.
3. Niềng răng trong suốt Invisalign
Niềng răng trong suốt Invisalign sử dụng khí cụ hoàn toàn khác so với các phương pháp niềng răng truyền thống. Thay vì sử dụng mắc cài và dây cung thì phương pháp này sử dụng bộ khay niềng được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân.
Ưu điểm
- Khay niềng trong suốt, đảm bảo thẩm mỹ vượt trội.
- Khay niềng ôm khít chân răng, hạn chế cảm giác cộm, vướng.
- Dễ dàng tháo, lắp để ăn uống, vệ sinh.
- Bề mặt khay niềng trơn láng, không gây tổn thương cho khoang miệng.
Nhược điểm
- Chi phí tương đối cao.
- Nếu không mang đủ 22h/ngày, hiệu quả niềng răng không được đảm bảo.
Thời gian niềng răng tối thiểu là bao lâu?
Thời gian niềng răng tối thiểu sẽ rơi vào khoảng 14 – 16 tháng, để đạt được thời gian niềng răng tối thiểu, bệnh nhân cần đáp ứng được các điều kiện cơ bản như:
- Niềng răng trong độ tuổi từ 12 – 15.
- Mức độ sai lệch khớp cắn thấp, răng lệch lạc nhẹ.
- Răng không bị hô, móm nghiêm trọng.
- Không cần nhổ răng.
Trong tất cả các yếu tố trên, độ tuổi niềng răng ảnh hưởng khá nhiều đến thời gian niềng răng tối thiểu vì niềng răng càng sớm thì hiệu quả nắn chỉnh răng càng nhanh chóng.
Đối với người trưởng thành, thời gian niềng răng tối thiểu sẽ rơi vào khoảng 18 – 24 tháng, vì lúc này xương hàm đã phát triển ổn định, mức độ dịch chuyển răng được điều chỉnh từ từ để phù hợp với sự thích nghi của xương hàm.
Ngoài ra, sau khi tháo niềng răng, bệnh nhân cần mang hàm duy trì từ 6 tháng đến 1 năm để đảm bảo răng không di chuyển về vị trí cũ, đảm bảo hiệu quả chỉnh nha một cách tối đa.
Tác hại của niềng răng mà không phải ai cũng biết
Niềng răng là kỹ thuật phức tạp, do đó việc niềng răng tiềm ẩn những tác hại khá nghiêm trọng nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật.
Dưới đây là 4 tác hại phổ biến của việc niềng răng mà có thể bạn chưa biết:
1. Niềng răng sai cách gây chết tủy
Kỹ thuật niềng răng không đúng cách sẽ khiến răng lung lay, không thẳng hàng, hoàn toàn không cải thiện được khuyết điểm trên răng mà còn khiến quy trình điều trị bị kéo dài, nghiêm trọng hơn là làm lộ chân răng, dẫn đến tình trạng viêm tủy, chết tủy răng.
2. Khuôn mặt bị biến dạng
Làm khuôn mặt biến dạng cũng là một trong những tác hại của việc niềng răng sai cách, đặc biệt là trong độ tuổi từ 9 – 15 tuổi – Khi xương hàm chưa phát triển hoàn thiện.
Trường hợp khuôn mặt đã lệch sẵn mà vẫn tiến hành chỉnh nha, khung xương tiếp tục phát triển sẽ khiến mức độ lệch nghiêm trọng hơn, điều này cũng tương tự với trẻ có gương mặt dài.
3. Răng rụng sớm hơn
Kỹ thuật niềng răng nếu không được thực hiện chuẩn xác hoàn toàn có thể khiến hàm răng của bệnh nhân trở nên yếu hơn sau khi chỉnh nha, vấn đề này đã được các chuyên gia nha khoa xác nhận.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra vấn đề này là do bác sĩ đã dùng lực kéo, chỉnh quá mạnh khi niềng răng, khiến hàm bị tụt, tiêu xương hoặc sai khớp.
4. Nguy cơ tổn thương răng
Trong suốt thời gian niềng răng, bạn cần quen với sự có mặt của bộ khí cụ khá vướng víu. Điều này không chỉ tạo ra cảm giác cộm, vướng, khó chịu, mà còn khiến việc vệ sinh răng miệng trở nên khó khăn.
Nếu không có thói quen vệ sinh răng miệng khoa học, bạn sẽ phải đối mặt với các nguy cơ tổn thương răng vì thức ăn dễ mắc lại xung quanh mắc cài, lâu ngày sẽ khiến răng xỉn màu, mắc các bệnh lý răng miệng.
Niềng răng bao lâu mới có thể tháo?
Thời gian hoàn thành một ca niềng răng phải mất từ 18 – 24 tháng. Khoảng thời gian này được chia thành các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Sắp xếp các răng về vị trí chuẩn trên cung hàm – Từ 2 – 6 tháng.
- Giai đoạn 2: Điều chỉnh trục của các răng – Từ 3 – 6 tháng
- Giai đoạn 3: Điều chỉnh sai lệch về khớp cắn, dịch chuyển răng về vị trí cân bằng – Từ 6 – 9 tháng.
- Giai đoạn 4: Duy trì răng ở trạng thái ổn định, giữ khớp cắn ở vị trí chuẩn – Từ 3 – 6 tháng
Yếu tố nào ảnh hưởng tới thời gian tháo niềng răng
Thời gian niềng răng mất bao lâu không chỉ phụ thuộc vào khả năng thích nghi của xương hàm mà còn phụ thuộc vào các yếu tố như:
1. Loại mắc cài được sử dụng
Mắc cài niềng răng là yếu tố ảnh hưởng khá nhiều đến hiệu quả của kỹ thuật chỉnh nha này, vì mỗi loại mắc cài sẽ có độ bám và chức năng kéo, giữ khác nhau. Do đó, tùy theo loại mắc cài được sử dụng mà thời gian niềng răng của mỗi khách hàng sẽ khác nhau.
2. Thói quen vệ sinh răng miệng
Thói quen vệ sinh răng miệng cũng là yếu tố ảnh hưởng đến thời gian tháo niềng răng. Trong suốt quy trình niềng răng, cần vệ sinh răng miệng đúng cách để đảm bảo chất lượng của bộ khí cụ.
Trong trường hợp không vệ sinh răng miệng hợp lý, các mảng bám sẽ hình thành xung quanh mắc cài, lâu dần sẽ dễ khiến mắc cài bị bung, sút, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của quá trình chỉnh nha.
3. Mức độ xô lệch của răng
Mức độ xô lệch của răng là yếu tố quyết định khá nhiều đến thời gian tháo niềng răng.
- Nếu tình trạng xô lệch chỉ nằm ở mức độ nhẹ, nền xương hàm vững, thời gian niềng răng cũng được rút ngắn.
- Nếu răng lệch lạc nghiêm trọng, kết hợp với xương hàm yếu, thời gian đeo mắc cài buộc phải kéo dài hơn.
4. Thói quen ăn uống
Trong quá trình niềng răng, răng của chúng ta trở nên khá nhạy cảm, do đó thói quen ăn uống trong giai đoạn này cũng ảnh hưởng khá nhiều đến thời gian tháo niềng răng.
Trong suốt thời gian mang niềng răng, nên hạn chế sử dụng các loại thức ăn quá cứng, dai hoặc dẻo, ngoài ra không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, nước uống có ga vì sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình dịch chuyển của răng.
Bên cạnh các yếu tố trên, thời gian tháo niềng răng nhanh hay chậm còn bị ảnh hưởng bởi quá trình siết răng. Chính vì vậy, trong suốt thời gian niềng răng, bạn cần thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ để nắn chỉnh kịp thời cũng như phát hiện sớm các sai lệch (nếu có).
Niềng răng có đau không?
Niềng răng có đau không? Nguyên lý của phương pháp niềng răng là sử dụng bộ khí cụ nhằm nắn chỉnh và dịch chuyển răng về đúng vị trí, từ đó giúp răng thẳng hàng, điều chỉnh các sai lệch trên khớp cắn.
Khi dây cung được siết để tạo lực di chuyển răng, bạn sẽ cảm thấy hơi căng tức và ê buốt. Tuy nhiên, cảm giác này không kéo dài quá lâu mà sẽ giảm dần trong vài ngày sau đó.
Cảm giác đau nhức khi niềng răng được xem là dấu hiệu cho thấy bộ khí cụ đang phát huy hiệu quả, do đó bạn nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trước khi niềng răng vì nó có thể sẽ khiến bạn đau nhức trong vài ngày đầu tiên.
Niềng răng có làm răng yếu đi không?
Nguyên lý của phương pháp niềng răng là sự dụng lực kéo để dịch chuyển, nắn chỉnh răng, do đó có khá nhiều khách hàng lo lắng việc niềng răng sẽ làm răng yếu đi. Vậy thực hư vấn đề này như thế nào? Niềng răng có khiến răng yếu đi không?
Trên thực tế, niềng răng không hề làm răng bị yếu đi vì trước khi thực hiện, bác sĩ đã lên phác đồ và liệu trình chỉnh nha phù hợp, giúp răng dịch chuyển từ từ, phù hợp với khả năng thích nghi của xương hàm.
Chỉ trừ những trường hợp niềng răng tại cơ sở nha khoa chưa đủ kinh nghiệm, bác sĩ có tay nghề kém, dẫn tới việc điều chỉnh lực kéo sai kỹ thuật, từ đó mới khiến răng yếu đi sau khi niềng.
Nếu niềng răng theo đúng quy trình, điều chỉnh lực kéo hợp lý, bệnh nhân tuân thủ theo từng chỉ dẫn của bác sĩ, hàm răng không chỉ đều đẹp mà còn chắc khỏe hơn ban đầu vì đã được cải thiện các sai lệch trên khớp cắn.
Chế độ ăn uống hợp lý sau khi niềng răng?
Cảm giác đau nhức khi mang niềng răng không hề nặng nề như nhiều người vẫn nghĩ, tuy nhiên việc mang niềng răng sẽ khiến răng hàm của bạn nhạy cảm hơn trong những ngày đầu tiên.
Do đó, cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý để tạo cảm giác thoải mái, đồng thời tránh tác động đến hiệu quả của bộ khí cụ.
1. Nên ăn gì sau khi niềng răng?
Sau khi niềng răng, bạn nên ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm mềm như: Cháo, súp, rau củ, trứng, phô mai, các món bánh, khoai tây nghiền, mỳ, phở, bún…
2. Các thực phẩm cần tránh khi mang niềng răng
Dưới đây là những loại thực phẩm cần tránh khi vừa mới niềng răng:
- Kem
- Bánh mỳ cứng
- Thịt tảng
- Đồ ăn cay nóng,…
>>> Lưu ý thêm: Sau khi niềng răng nên ăn gì? Không nên ăn gì?
Vệ sinh răng miệng sau khi ăn cho răng mới niềng như thế nào?
Sau khi niềng răng, bạn cần đặc biệt lưu ý đến chế độ vệ sinh răng miệng vì lúc này trong khoang miệng có thêm bộ khí cụ niềng răng, nếu không vệ sinh kỹ lưỡng, bạn sẽ rất dễ mắc phải các bệnh lý răng miệng.
- Cần đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày, đặc biệt lưu ý vị trí có mắc cài.
- Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.
- Dùng nước súc miệng để làm sạch khoang miệng,…
>>> Giải đáp chi tiết: Niềng răng có nên dùng nước súc miệng không?
Kết luận
Niềng răng là giải pháp chỉnh nha tối ưu, giúp khắc phục hàng loạt khuyết điểm trên răng. Do đó, ngày càng có nhiều người lựa chọn niềng răng để cải thiện thẩm mỹ cho gương mặt.
Niềng răng có nhiều phương pháp khác nhau, do đó trước khi lựa chọn, bạn cần tìm hiểu kỹ ưu, nhược điểm của từng phương pháp để đưa ra quyết định phù hợp.
Ngoài ra, chi phí niềng răng cũng là vấn đề khá quan trọng, vì đối với nhiều người, đây là khoản tiền không hề nhỏ. Tuy nhiên, với các chương trình niềng răng trả góp tại các nha khoa hiện nay, bạn hoàn toàn có thể niềng răng khi chưa có đủ chi phí.
Với phương thức thanh toán trả góp, bạn chỉ cần chuẩn bị từ 10 – 15 triệu để bắt đầu quy trình niềng răng, số tiền còn lại có thể chia nhỏ để trả dần trong nhiều tháng.
Mọi thắc mắc về phương pháp niềng răng thẩm mỹ, bạn có thể tham khảo tại các bài viết trong cùng chuyên mục của Nhật ký niềng răng.
Nhật ký niềng răng – Nơi chia sẻ tất tần tật kinh nghiệm niềng răng thẩm mỹ cho bạn và người thân.